Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Posted by Công ty Thang máy
No comments | 08:08
Chưa hết lình xình xung quanh việc kiện cáo và những khuất tất khiến Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phải “bác” phương án thành lập Hội đồng khoa học thì mới đây, dư luận lại xôn xao chuyện Trường Đại học Ngoại thương, một nhà trường đào tạo về quản lý kinh tế nhưng lại không quản lý được dự án của mình, để nhà thầu qua mặt, tuồn vào mặt hàng thang máy “vỏ Nhật, ruột Trung Quốc”....

Cầu thang rởm ở công trình hiện đại của ngành giáo dục

Theo đơn thư phản ánh của một số cán bộ, giảng viên của trường ĐH Ngoại Thương gửi tới báo Giáo dục Việt Nam, khi Trường Đại học Ngoại thương tổ chức đấu thầu dự án toà nhà đa năng A2,Công ty TNHH Thang máy Sin Việt có địa chỉ tại 184 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội là đơn vị trúng thầu hạng mục thang máy. 

Hồ sơ dự thầu cam kết thang máy của hãng SANYO được sản xuất đồng bộ tại Nhật Bản. Cùng thời điểm này, có nhiều đơn vị tham gia đấu thầu nhưng với mặt hàng thang máy, nếu như sản phẩm nhập nguyên chiếc của Nhật Bản giá thành khá cao. 


Động cơ thang máy nhãn hiệu Sanyo tại Trường Đại học Ngoại thương nhưng lại ghi xuất xứ “Made in Taiwan”, không như cam kết của nhà thầu là sản xuất tại Nhật Bản


Song không hiểu sao, phía công ty Sin Việt lại đưa ra phương án bỏ thầu rất thấp, thấp hơn các đơn vị khác hàng chục tỷ đồng. Dư luận nhà trường đang hoài nghi về một sự “ưu ái” nào đó nên công ty này đã trúng thầu gói thầu lắp đặt 4 thang máy cho toà nhà đa năng A2, một công trình được coi như biểu tượng của nhà trường.  
Tuy nhiên, khi toà nhà được đi vào khai thác ít lâu thì các thang máy hàng “Nhật xịn” dần bộc lộ nhiều vấn đề như tốc độ chậm, gây tiếng ồn, việc đóng mở cửa có lúc vận hành không tốt, gây kẹt. Nghi ngờ có dấu hiệu khuất tất, những người am hiểu đã kiểm tra thì mới “tá hoả” khi phát hiện cả 4 bộ thang máy hoàn toàn không phải sản phẩm sản xuất đồng bộ tại Nhật Bản như cam kết mà thực chất là kiểu thang máy lắp ráp linh kiện “5 cha 3 mẹ”, các bộ phận chủ yếu do Trung Quốc sản xuất nhưng lại được dán nhãn mác sản xuất tại Nhật Bản và hồ sơ nhập khẩu (CO, CQ) làm giả của Nhật Bản. 

Đối với các bộ phận chính để bảo đảm an toàn của thang máy như động cơ cửa, mô tơ động cơ chính do nhà thầu lắp ráp vội vàng nên chưa kịp thay nhãn mác, vẫn còn nguyên nhãn mác ghi xuất xứ sản xuất tại Đài Loan (Trung Quốc – Made in Taiwan) (xem ảnh). 
Dấu hiệu giả mạo trong hồ sơ thầu cũng như lắp ráp sản phẩm thang máy không đảm bảo chất lượng khá rõ nếu nghiên cứu các thông tin về thang máy của hãng Sanyo. Theo thông tin tại trang web của Công ty TNHH Thương Mại Và Kỹ Thuật Thăng Long (Hà Nội), một đơn vị chuyên cung cấp thang máy Sanyo thì hãng thang máy : Sanyo (Nhật Bản sản xuất tại Malaysia, Trung Quốc), Schneider (Đức sản xuất tại Trung Quốc), GYG (Sản xuất chính hãng tại Hàn Quốc) và thang liên doanh SANYO-ECO được lắp ráp tại Việt Nam…

Một chuyên gia trong ngành xây dựng cũng cho biết, nhiều năm nay hãng Sanyo cũng không còn sản xuất sản phẩm chính hãng tại Nhật Bản. 
Tìm hiểu thông tin trên internet, phóng viên được biết thêm Công ty TNHH Sin Việt hiện cũng không có trang tin điện tử, không công bố thông tin về sản phẩm rộng rãi như nhiều công ty khác và có vẻ như là một công ty “vô danh tiểu tốt” trên thị trường. 
Một chuyên gia về thang máy cũng cho biết, hành vi lắp ráp theo kiểu không đảm bảo chất lượng đối với thang máy có thể gây ra nguy hiểm khôn lường. Vụ việc 3 công nhân tử vong khi lắp đặt thang máy tại dự án chung cư Đại Thanh (Hà Nội) gần đây là một dẫn chứng điển hình đáng cảnh báo về chất lượng thang máy.  
Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Phòng Giám định VinaControl Quảng Ninh, người vừa xử lý một số vụ thang máy kém chất lượng ở Quảng Ninh cho biết, thang máy chở người là loại hàng hóa đặc biệt. Trong đó, động cơ đóng vai trò rất là quan trọng đối với thang máy, tùy từng loại thang máy khác nhau mức độ quan trọng khác nhau. 

Động cơ chủ động được đặt dưới hố thang để kiểm soát toàn bộ hoạt động của thang, kéo lên tải xuống rất quan trọng với sự an toàn của buồng thang”.Cũng theo ông Trường, thị trường thang máy đang có rất nhiều bất cập. Thang máy chủ yếu được nhập khẩu, tuy nhiên, có doanh nghiệp thay vì nhập cả bộ theo thương hiệu thì lại đi ráp các linh kiện của các nhà cung cấp khác nhau để giảm chi phí. Khi thiết bị không đồng bộ thì nguy cơ sẽ tăng cao hơn. 

Bởi vậy, theo qui định, tất cả các thang máy vận hành phải được cấp giấy chứng nhận, dán tem kiểm định an toàn và phải được kiểm tra định kỳ. Với trường hợp thang máy của Trường Đại học Ngoại Thương, rất cần cơ quan chức năng xác minh, làm rõ, bảo đảm an toàn vì hệ thống thang máy này gắn với các giảng đường, mỗi ngày có hàng ngàn lượt sinh viên tới học tập, nếu không bảo đảm chất lượng, hậu quả xảy ra sẽ vô cùng to lớn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng từng cảnh báo, nhưng…
Cũng theo đơn phản ánh, Công ty Sin Việt là đơn vị trúng thầu lắp đặt hệ thống thang máy tại dự án Nhà Quốc hội. Tuy nhiên, đơn vị này cũng có dấu hiệu sai phạm tương tự trong hồ sơ thầu và lắp ráp sản phẩm giống như tại Trường Đại học Ngoại thương. Liên quan tới dự án này, trong một bài báo được đăng trên một tờ báo điện tử ngày 15-5-2013, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Phó trưởng ban chỉ đạo dự án Nhà Quốc hội đã thẳng thắn nêu: “khi đấu thầu thiết bị khi xây dựng Nhà Quốc hội, có nhà thầu đã "ráo" trước sẽ tặng thêm công trình 4 thang máy. 

Khi Bộ Xây dựng xem lại sản phẩm cung cấp của đơn vị này thì thấy hàng là của 1 hãng sản xuất không tên tuổi, tiếng tăm gì về thang máy trong khi công trình Nhà Quốc hội phải đảm bảo chất lượng cao. Sau đó, khi cơ quan chức năng lên tiếng, kiên quyết "bỏ qua" nhà thầu này dù giá bỏ thầu rất cạnh tranh, lời hứa về 4 chiếc thang máy cũng... bặt tăm luôn”.  
Không dừng ở đó, sau khi báo chí phản ánh, một bạn đọc đã phản hồi cho biết thêm: “Theo tôi, Bộ Trưởng Trịnh Đình Dũng nói còn thiếu. Thang máy nhà Quốc hội ko phải 4 cái trúng thầu, mà được hãng SUZUKI ELEVATOR CO. (SEC) hứa tặng. Nhưng sau này khi đấu thầu ko trúng gói thầu thang máy, thang cuốn còn lại thì SEC ko tặng nữa. Nhà thầu trúng thầu thang máy, thang cuốn còn lại kia cung cấp thang SANYO (nói xuất xứ ở Nhật Bản) nhưng ở Nhật chưa có công trình nào tương tự, vẫn đươc trúng và ký hợp đồng.  Tôi nghĩ, có lẽ Bộ trưởng nhầm giữa nhà thầu đấu thầu và đơn vị tặng chăng?”. 
Thiết nghĩ, dự án Toà nhà đa năng Đại học Ngoại thương cũng như dự án Nhà Quốc hội đều là những công trình rất quan trọng, không thể chấp nhận việc nhà thầu “qua mặt” chủ đầu tư, đưa sản phẩm kém chất lượng, coi thường tính mạng con người, coi thường trách nhiệm trước công trình mang ý nghĩa chính trị to lớn của quốc gia cũng như liên quan đến sinh mệnh của đại biểu Quốc hội, nguyên thủ quốc gia. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, làm rõ sự việc.
Nguồn:  http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nghi-an-Thang-may-vo-Nhat-ruot-Trung-Quoc-o-Truong-DH-Ngoai-Thuong/305234.gd

0 nhận xét:

Đăng nhận xét